Giọng hát và sự nghiệp Quách_Thị_Hồ

Bà sở hữu một giọng hát đặc biệt, cùng tiếng phách điêu luyện đã chinh phục nhiều người thưởng thức. Nhiều người đánh giá giọng hát của bà như:

  • "Có người ví tiếng hát của Quách Thị Hồ đẹp và tráng lệ như một tòa lâu đài nguy nga, lộng lẫy, mà mỗi một tiếng luyến láy cao siêu tinh tế của bà là một mảng chạm kỳ khu của một bức cửa võng trong cái tòa lâu đài ấy. Tiếng hát ấy vừa cao sang bác học, vừa mê hoặc ám ảnh, diễn tả ở mức tuyệt đỉnh nhất các ý tứ của các văn nhân thi sĩ gửi gắm trong các bài thơ. - Vũ Khang[1]
  • "Chất giọng khỏe, đanh, sắc như đổ vàng vào tai người nghe, chất giọng đầy uy quyền có thể hiếp đáp được người nghe" - Trần Ngọc Linh[2].

Một trong những kĩ thuật đặc trưng nhất của bà là kĩ thuật đổ hột hay nảy hạt - một kĩ thuật thường thấy trong xẩm, tuồng và cả quan họ. Giáo sư Trần Văn Khê và Trần Quang Hải cho rằng kĩ thuật đổ hột trong giọng hát của bà là đặc trưng của nghệ thuật hát ả đào. Tuy nhiên Trần Ngọc Linh lại phản bác ý kiến này. Ông cho rằng: kĩ thuật đổ hột hoàn toàn không có trong bất cứ nghệ nhân cũ nào khác, hay cũng không được nhắc đến trong bất kì tác phẩm nghiên cứu nào về ca trù trước đây[2], điều đó chứng tỏ đổ hột hoàn toàn không phải là kĩ thuật Ca trù. Để giải thích về giọng hát đặc biệt của bà, ông cho rằng đổ hột là yếu tố tự nhiên trong giọng hát của bà, tiếp thu từ người mẹ và giáo phường ở Kinh Bắc - cái nôi của nghệ thuật quan họ. Sau này những cô đầu trong nhóm Ca trù Thái Hà đã bắt chước kĩ thuật này của bà qua những băng ghi âm của bà. Nhóm đã thực hiện nhiều chuyến lưu diễn, thông qua sự giới thiệu của ông Trần Văn Khê, đưa tiếng hát ca trù ra thế giới và những điều này đã gây ra sự nhầm lẫn trong giới nghiên cứu ca trù về kĩ thuật đổ hột[2].

Trong những năm thập niên 1950-1970, nghệ thuật ca trù không có chỗ đứng do bị coi là tàn tích của chế độ phong kiến cũ. Nhiều đào nương kép đàn đã phải bỏ nghề, bỏ Tổ. Nhưng chỉ có bà là người dám tự nhận mình là một cô đào, sống với Tổ và nghề[3], như câu nói dũng cảm mà bà đã từng nói: "Tôi sẵn sàng đeo biển trước ngực đi trên phố để nói tôi là người hát Ca trù"[2]. Năm 1978, khi tiếng hát ca trù lần đầu tiên được vang danh trên thế giới, bà đã được ghi nhận là một trong những nghệ nhân ca trù tiêu biểu. Cũng từ đây, nghệ thuật ca trù đã dần được khôi phục, và được biết đến là một trong những di sản quý báu của Việt Nam và nhân loại. Có thể nói Quách Thị Hồ là người đã có công đóng góp lớn trong việc khôi phục, quảng bá và phát triển nghệ thuật ca trù. Giọng hát của bà cũng được nhiều nghệ sĩ học hỏi như nhóm Ca trù Thái Hòa và nghệ sĩ Thúy Loan.